Trong giai đoạn 2016-2020, thị trường BĐS được nhận định sẽ tiếp tục ổn định và phát triển. Những dự án có vị trí đẹp, chất lượng tốt, dịch vụ tối ưu sẽ thành dòng sản phẩm hút khách hàng.
Ngày đăng: 20-10-2015
1468 lượt xem
Tóm tắt
TS. Phạm Thái Sơn, Đại học Việt Đức, phân tích rằng thị trường BĐS Tp.HCM đang có rất nhiều điều kiện, thời cơ để “bức phá” sang một giai đoạn mới. Thứ 2, BĐS đang thu hút vốn FDI mạnh nhất so với các ngành kinh tế khác, trong đó nhiều doanh nghiệp FDI đã mang đến thành phố những dự án nhà ở, khu đô thị quy mô lớn.
Dữ liệu từ tổ chức Real Capital Analytics (RCA) cũng ghi nhận sự quan tâm nhiều hơn từ các quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài đang phân bổ nguồn vốn sang Việt Nam nhằm cố gắng tăng sự hiện diện trên thị trường này.
Ồ ạt làn sóng ngoại
Theo ý kiến nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, với việc nhiều chính sách mới đã có hiệu lực là điều kiện để thị trường BĐS trong những năm tới phát triển mạnh hơn. Đơn cử như, quy định cho người nước ngoài thuê – mua nhà tại Việt Nam cũng được đánh giá là có tác động tích cực đến thị trường. Đây cũng là thời điểm đánh giá thị trường BĐS hội nhập với thế giới, một khi nền kinh tế Việt Nam trở thành một mắc xích quan trọng của các hiệp định thương mại song phương và đa phương, như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)…
TS. Phạm Thái Sơn, Đại học Việt Đức, phân tích rằng thị trường BĐS Tp.HCM đang có rất nhiều điều kiện, thời cơ để “bức phá” sang một giai đoạn mới. Thứ 2, BĐS đang thu hút vốn FDI mạnh nhất so với các ngành kinh tế khác, trong đó nhiều doanh nghiệp FDI đã mang đến thành phố những dự án nhà ở, khu đô thị quy mô lớn. Đây sẽ là một “sung lực” cho thị trường trong 5 năm tới, kéo nhiều siêu đô thị trải dài trên 4 hướng phát triển chính của thành phố sẽ xuất hiện.
Theo nhận định của tập đoàn VinaCapital, thị trường BĐS Việt Nam đang ở giai đoạn giữa của chặng đường phục hồi từ dưới đáy khủng hoảng 2008-2012. Thị trường đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh từ nay đến 2016, và nếu nhìn xa hơn 5 năm tới thì BĐS Việt Nam vẫn là “vùng đặc biệt” thu hút một lượng lớn vốn đầu tư từ bên ngoài.
Một nghiên cứu của VinaCapital cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang ở thế cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp nội về lợi thế “sân nhà”, am hiểu thị trường và đội ngũ bán hàng khá chuyên nghiệp. Từ đó, một sự “xoay chuyển” hiện nay là các nhà phát triển BĐS nước ngoài sẽ “bắt tay” hợp tác với doanh nghiệp trong nước để cùng chiếm lĩnh thị trường.
“Theo quan sát, chúng tôi nhận thấy rằng đang có sự dịch chuyển mạnh lĩnh vực đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện chủ động chuyển sang đầu tư chứng khoán và BĐS tại Việt Nam do lãi suất tiền gửi thấp, lạm phát giảm, thanh khoản dồi dào và vàng mất giá đến 39% trong 4 năm qua”, ông ông Andy Ho - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư của tập đoàn VinaCapital, phân tích thêm.
Trong 5 năm tới, thị trường BĐS Tp.HCM được nhận định sẽ tiếp tục ổn định và phát triển
Trong một báo cáo về thị trường M&A mới đây, công ty JLL cho biết nếu so sánh thì Việt Nam đang trở thành địa điểm hấp dẫn đối với vốn đầu tư nước ngoài trong trung hạn hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Dữ liệu từ tổ chức Real Capital Analytics (RCA) cũng ghi nhận sự quan tâm nhiều hơn từ các quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài đang phân bổ nguồn vốn sang Việt Nam nhằm cố gắng tăng sự hiện diện trên thị trường này.
Tạo lập thị phần
Trước sức mua của thị trường không ngừng tích cực hơn như phân tích ở trên, do vậy thời gian qua, nhiều nhà phát triển BĐS trong nước đang lên kế hoạch tung dự án mới để nắm bắt cơ hội thị trường. Điều có thể thấy là, các dự án đều được đầu tư ở vị trí tốt, giá cả cạnh tranh, và chăm chút cho thiết kế nhằm mang cả không gian sống xanh cho mỗi cư dân.
Đối với dòng sản phẩm căn hộ, dòng cao cấp vẫn được các DN tập trung phát triển. Đơn cử, tập đoàn Novaland tổ chức triển lãm về 25 dự án đang đầu tư và phát triển tại Tp.HCM, và ra mắt thêm 7 dự án mới. Tập đoàn Kiến Á cũng vừa “chào sân” bằng dự án nhà phố cao cấp tại quận 2; địa ốc Phúc Khang ra mắt thị trường dự án xanh theo tiêu chuẩn Mỹ đầu tiên tại Việt Nam là Diamond Lotus; tại quận 9, tập đoàn Khang Điền vừa công bố dự án biệt thự cao cấp Lucasta; Hoàng Anh Sài Gòn hợp tác cùng BCCI đầu tư dự án Western Dragon; Sacomreal thông tin sắp đưa ra thị trường dự án “khủng” tọa lạc ngay quận 1 có giá đến 120 triệu đồng/m2 và 3 dự án cao cấp khác; cuối năm nay Hưng Thịnh Land cũng chuẩn bị ra mắt 3 dự án khác để giành thế cạnh tranh…
Tại khu Nam, đón đầu hệ thống hạ tầng giao thông quy mô lớn đang được chuẩn bị đầu tư, các doanh nghiệp BĐS như Hưng Lộc Phát, Him Lam Land, Phú Long Land cũng tranh thủ giới thiệu dự án mới. Mới đây nhất, tập đoàn địa ốc Đất Xanh có dự án Luxcity, Greeny Riverview tại quận 7 và 3 dự án cao cấp khác tại quận 8 là Cara Riverview, Square City và Auris City. Tại khu Đông, doanh nghiệp này chuẩn bị đưa các dự án quy mô lớn gia nhập thị trường, như Opal Riverside, Oasis Riverside (Thủ Đức), Venice City (quận 2)…
Một đại diện của Đất Xanh cho biết thêm, tận dụng thời cơ Tp.HCM đang dành quỹ đất hơn 20.000 ha tại khu Tây Bắc, và để có thể giành thế cạnh tranh cùng với các doanh nghiệp khác, công ty đang nhắm đến thị trường này bằng nhiều dự án căn hộ cao cấp. Bởi vì, thị trường BĐS Tp.HCM hiện giờ không chỉ có khu Đông mà còn bắt đầu lan tỏa theo các hướng khác một khi hạ tầng giao thông được “nối dài”.
Ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền, địa ốc Nam Long, Công ty Tổ chức Nhà Quốc Gia (N.H.O) vẫn “làm chủ” thị trường với loạt dự án căn hộ có giá từ 800 triệu – 1,3 tỷ đồng/căn. Công ty CP Xây dựng và Phát triển Hạ tầng Đô thị (BID) Việt Nam sắp thâm nhập thị trường Tp. HCM bằng 7.000-10.000 căn hộ bình dân trong 5 năm tới. Quỹ đầu tư BĐS EZ Land (Luxembourg) mới thâu tóm một quỹ đất khá lớn để phát triển 2 dự án nhà ở loại này tại quận 9 trong năm 2016…
“Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đang tranh thủ bung hàng để đón cơ hội kinh doanh. Các quận các trung tâm thành phố trong vòng 10km được họ khai thác mạnh. Với sự tất bật của các DN BĐS cho thấy, thị trường đang có nhiều triển vọng tốt. Tuy nhiên, các DN cũng rất thận trọng trong chiến lược kinh doanh, bởi áp lực cạnh tranh hiện đã rất lớn”, ông Châu nói.
Theo Nguyên Minh – Trí thức trẻ
Gửi bình luận của bạn