Luật Kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực từ giữa năm 2015, cho phép doanh nghiệp được công khai, mua bán và chuyển nhượng dự án, sẽ là điều kiện thuận lợi đối với hoạt động M&A bất động sản.
Ngày đăng: 27-01-2016
1398 lượt xem
Dẫn đầu hoạt động M&A bất động sản trong những ngày đầu năm là việc Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh vừa chi thêm 61 tỉ đồng để nâng tỉ lệ sở hữu tại Công ty CP In Nông nghiệp lên 111 tỷ đồng, sở hữu 99,99% nhằm chuẩn bị đầu tư vào một dự án tại Thủ Đức.
Theo đó, Công ty này sẽ thực hiện đầu tư Dự án Chung cư - Văn phòng - Trung tâm thương mại có vị trí mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Tp. HCM. Dự án có tên thương mại là Opal Tower và là dự án thứ 3 trong chuỗi sản phẩm Opal của Đất Xanh, ngoài Opal Riverside và Opan Garden.
Trước đó, vào ngày 18/1, HĐQT DXG cũng đã thông qua việc nhận chuyển nhượng Dự án Khu chung cư Kim Khí của CTCP Kim khí Tp. HCM. Dự án có diện tích hơn 9.100 m2 tại số 370 đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Nhuận, quận 7, Tp. HCM. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 734 tỷ đồng. Giá trị nhận chuyển nhượng dự kiến 102 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty CP Căn nhà mơ ước (DRH) cũng đã chi 110 tỷ đồng nhận chuyển nhượng dự án tại 1177 Huỳnh Tấn Phát, Q.7, với diện tích sử dụng đất là 2,820.3m2.
Dự án 1177 Huỳnh Tấn Phát sẽ bắt triển khai từ quý 1/2016 và bàn giao vào quý 3/2017. DRH tiếp tục chi 120 tỷ đồng nhận chuyển nhượng dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Hưng Thịnh, cho biết thị trường bất động sản 2016 sẽ có nhiều bước phát triển và tương đối ổn định. Lượng cung - cầu đều tăng, dòng vốn chảy mạnh vào bất động sản sẽ nhiều hơn, khung pháp lý mới chặt chẽ hơn.
“Theo tôi, năm 2016, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhờ yếu tố vĩ mô thuận lợi, xu hướng M&A trong lĩnh vực này sẽ bùng nổ trong giai đoạn 2016-2017 do Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và toàn cầu", ông Hiền nói.
Năm 2016, ngành bất động sản Việt Nam sẽ ghi nhận tin nóng ở hàng loạt phân khúc, từ căn hộ, nghỉ dưỡng cho đến bán lẻ. Riêng ở TP.HCM, không thể không kể đến tâm điểm lớn nhất của thị trường là đợt đấu giá 23 lô “đất vàng” thuộc sở hữu Nhà nước tại các quận 1, 5, 7, Bình Chánh và Thủ Đức. Tổng diện tích của những dự án này lên đến 137.700 m2, phần lớn nằm ở vị trí đắc địa, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, ngoài 23 khu đất vàng đang sẵn sàng chờ đón nhà đầu tư, thì hiện nay trên địa bán Tp.HCM còn hơn 500 dự án bất đông sản đang ngưng triển khai do nhiều vấn đề về thiếu vốn, chưa triển khai xong đền bù giải phóng mặt bằng... Đây sẽ là một trong những lý do thúc đẩy hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản trong năm 2016 này hết sức sôi động.
Hiện tại, nhiều quỹ đầu tư quốc tế uy tín đang có ý định đầu tư vào thị trường Việt Nam đặc biệt quan tâm đến thị trường BĐS phân khúc trung cấp – bình dân thay vì cao cấp như trước kia. Theo khảo sát của công ty JLL Việt Nam, các quỹ đầu tư lớn như TPG Capital, Shenning Investments, Asia Capital Reinsurance, Standard Chartered Private Equity, Partners đều đưa ra nhận định chung là xu hướng phát triển BĐS tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ hướng đến phân khúc trung cấp, bình dân.
Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam trong trung hạn và tốc độ đô thị hóa sẽ thúc đẩy nhu cầu về nhà ở thuộc phân khúc bình dân. Ngoài ra, có một lượng lớn nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Philippines và Indonesia đang tích cực tìm kiếm để sở hữu một phần của ‘chiếc bánh’ bất động sản Việt Nam.
Nguyên Minh
Theo Trí thức trẻ
Gửi bình luận của bạn